Tìm hiểu cơ cấu tòa án nhân dân Việt Nam – Luật tổ chức Tòa án nhân dân được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 24/11/2014, có hiệu lực toàn phần vào ngày 1/6/2015, nhằm chi tiết hóa một số điều trong Hiến pháp năm 2013 và là bước phát triển mới phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân đã có nhiều thay đổi. Sau đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân ở nước ta hiện nay.
I. Hệ thống Tòa án nhân dân
Tổ chức Tòa án ở nước ta gồm:
- Tòa án nhân dân tối cao.
- Tòa án nhân dân cấp cao.
- Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
- Tòa án quân sự.
II. Tòa án nhân dân tối cao
Tòa án nhân dân tối cao không thành lập các Tòa phúc thẩm và các Tòa chuyên trách; Tòa án quân sự trung ương cũng không nằm trong Tòa án nhân dân tối cao.
Cơ cấu tổ chức Tòa án nhân dân bao gồm:
- Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
- Bộ máy giúp việc;
- Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
Với cơ cấu tổ chức như vậy, Tòa án nhân dân tối cao không có quyền hạn, nhiệm vụ xét xử phúc thẩm và phạm vi xét xử cũng hẹp hơn trước đây, mà tập trung vào việc tổng kết kinh nghiệm xét xử và một số việc khác theo qui định của pháp luật .
Toà án nhân dân tối cao có quyền hạn, nhiệm vụ sau:
- Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của các Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
- Giám đốc việc xét xử của các Toà án khác, trừ trường hợp do luật định.
- Tổng kết thực tiễn xét xử của các Tòa án, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
- Đào tạo; bồi dưỡng Thẩm phán, Hội thẩm, các chức danh khác của Tòa án nhân dân.
- Quản lý các Toà án nhân dân và Tòa án quân sự về tổ chức theo quy định của Luật này và các luật có liên quan, bảo đảm độc lập giữa các Tòa án.
- Trình Quốc hội dự án luật, dự thảo nghị quyết; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết theo quy định của luật.
Trong đó, Hội đồng thẩm phán được giới hạn số thành viên không dưới mười ba người vào không quá mười bảy người; Tòa án quân sự trung ương được tách ra khỏi Tòa án nhân dân tối cao. Điều này cho thấy sự tinh gọn trong bộ máy của Tòa án nhân dân tối cao, bây giờ nhiệm vụ của Tòa án nhân dân tối cao sẽ được tập trung hơn vào việc tổng kết kinh nghiệm xét xử, việc mà trước đây chưa đi vào nề nếp và chưa được thực hiện thường xuyên.
III. Tòa án nhân dân cấp cao
Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân cấp cao gồm:
- Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao;
- Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa gia đình và người chưa thành niên; Trường hợp cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
- Bộ máy giúp việc.
Tòa án nhân dân cấp cao đảm bảo việc đảm bảo hai cấp xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm, mặt khác điểu này làm cho Hệ thống Tòa án nhân dân được tách bạch rõ ràng, thực hiện đúng thẩm quyền, mang lại hiệu quả cho công việc được Quốc hội giao phó.
IV. Tòa án nhân dân cấp tỉnh
Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm:
- Ủy ban Thẩm phán;
- Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa gia đình và người chưa thành niên; Trường hợp cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Căn cứ quy định tại điểm này và yêu cầu thực tế xét xử ở mỗi Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc tổ chức các Tòa chuyên trách;
- Bộ máy giúp việc.
Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm nữa. Quy định này là phù hợp với thực tiễn xét xử và yêu cầu trong việc xét xử, tránh nhiều bất cập.
V. Tòa án nhân dân cấp huyện
Tòa án nhân dân huyện; quận; thị xã; thành phố thuộc tỉnh và tương đương có thể có Tòa hình sự; Tòa dân sự; Tòa gia đình và người chưa thành niên, Tòa xử lý hành chính. Trường hợp cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Căn cứ quy định tại khoản này và yêu cầu, thực tế xét xử ở mỗi Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và tương đương, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc tổ chức Tòa chuyên trách. Và Tòa án nhân dân cấp huyện có Bộ máy giúp việc.
Tòa chuyên trách có thể được thành lập trong các Tòa án nhân dân cấp huyện. (Đây là điểm hoàn toàn mới so với Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002). Tòa án nhân dân ở địa phương vẫn đang được tổ chức theo đơn vị hành chính lãnh thổ chứ chưa phân được theo cấp xét xử để phù hợp với nhu cầu xét xử của từng địa phương; nơi việc ít, nơi việc nhiều. Tuy nhiên, việc Tòa án nhân dân cấp huyện “có thể” được thành lập các Tòa chuyên trách tạo một bước chuyển biến mới trong công tác xét xử; phù hợp với nhu cầu của các Tòa án địa phương; nơi có thẩm quyền xét xử sơ thẩm đến 80% các vụ, việc ở nước ta.
VI. Hệ thống các Tòa án quân sự
Tổ chức của các Tòa án quân sự bao gồm: Tòa án quân sự trung ương; Tòa án quân sự quân khu và tương đương; Tòa án quân sự khu vực.
Hiện nay Tòa án quân sự trung ương tách khỏi Tòa án nhân dân tối cao thì về cơ bản trong cơ cấu tổ chức của các Tòa án quân sự không có nhiều thay đổi. “Các Tòa án quân sự được tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam để xét xử những vụ án mà bị cáo là quân nhân tại ngũ và những vụ án khác theo quy định của pháp luật.” (Điều 49 luật 2014).
CÔNG TY TƯ VẤN LUẬT HỒNG MINH
Hotline: 0843.246.222
Email: tuvanhongminh@gmail.com
Trụ sở chính: Số 31 Ngõ 221 Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội
VPGD: Phòng 611, toà 27A1 Green star, 234 Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.