Cho đến nay, trong các văn bản pháp luật Việt Nam cũng chưa có một quy định hay định nghĩa cụ thể về người chưa thành niên. Tuy vậy, trong thực tiễn đời sống, chúng ta đều hiểu rằng: người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất; tinh thần; chưa có khả năng nhận thức; kiểm soát được suy nghĩ; hành vi của mình. Do đó, người chưa thành niên dễ bị chi phối bởi tác động bên ngoài; và thực hiện các hành vi thiếu suy nghĩ chín chắn.
Từ đặc điểm về lứa tuổi, các đặc thù nêu trên của người chưa thành niên nên pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật nhiều nước trên thế giới đều có những quy định phù hợp để bảo vệ; giáo dục; phòng ngừa các hành vi xâm phạm trẻ em hoặc xử lý đối với trẻ em vi phạm pháp luật.
I. THỦ TỤC TỐ TỤNG ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN
Người chưa thành niên là những người chưa hoàn toàn phát triển đầy đủ về nhân cách; chưa có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân. Pháp luật ở mỗi quốc gia quy định độ tuổi cụ thể của người chưa thành niên.
Điều 1 Công ước quốc tế về quyền trẻ em được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 20/11/1989 có ghi: “Trong phạm vi Công ước này, trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi; trừ trường hợp luật pháp áp dụng đối với trẻ em có quy định tuổi thành niên sớm hơn”.
Ở Việt Nam
Độ tuổi người chưa thành niên được xác định thống nhất trong Hiến Pháp năm 2013; Bộ luật Hình sự năm 1999; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003; Bộ luật Lao động; Bộ luật Dân sự; Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Tất cả các văn bản pháp luật đó đều quy định tuổi của người chưa thành niên là dưới 18 tuổi và quy định riêng những chế định pháp luật đối với người chưa thành niên trong từng lĩnh vực cụ thể.
Theo quy định tại Điều 68 Bộ luật Hình sự 1999 thì “Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này. Đồng thời theo những quy định khác của Phần chung Bộ luật không trái với những quy định của Chương này”.
Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên cũng có sự khác biệt so với thủ tục tố tụng đối với các chủ thể khác. Trong Bộ luật TTHS 2003, thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên quy định tại phần 7- phần thủ tục đặc biệt. Chương XXXVII, từ Điều 301 đến điều 310 Bộ luật. Như vậy, thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên được quy định trong bộ luật TTHS là thủ tục đặc biệt được áp dụng đối với người bị bắt; người bị tam giam; bị can; bị cáo từ 14 tuổi tròn cho đến dưới 18 tuổi.
II. MỤC ĐÍCH CỦA THỦ TỤC TỐ TỤNG ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN
Quy định thủ tục tố tụng đặc biệt đối với người chưa thành niên nhằm những mục đích:
- Khắc phục những thiếu sót trong công tác điều tra; truy tố; xét xử.
- Đưa ra những biện pháp xử lý người chưa thành niên phạm tội phù hợp với những quy định của pháp luật.
- Kết hợp hài hòa các biện pháp cưỡng chế và giáo dục; thuyết phục tạo ra những điều kiện cần thiết để người chưa thành niên biết sửa chữa những sai lầm; sớm cải tạo thành người lương thiện; có ích cho xã hội.
- Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người chưa thành niên.
III. TỘI PHẠM DO NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN GÂY RA LÀ GÌ?
Điều 12 Bộ luật Hình sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự:
“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên; nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Như vậy, người chưa thành niên phạm tội và phải chịu trách nhiệm hình sự có thể là:
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý; phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm một tội được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Đối với người chưa thành niên, việc xác định một trường hợp cụ thể người có hành vi phạm tội có trở thành tội phạm hay không còn căn cứ vào nguyên tắc được quy định tại Điều 69 Bộ luật Hình sự:
“1. Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục; giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm; phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Trong mọi trường hợp điều tra; truy tố; xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên; các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tộ;nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
2. Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng; gây hại không lớn; có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan; tổ chức nhận giám sát; giáo dục.
3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
4. Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Tòa án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của Bộ luật này.” …
Như vậy, tội phạm do người chưa thành niên gây ra chỉ xuất hiện (phát sinh) khi có đầy đủ 3 điều kiện sau đây:
Một là, có hành vi phạm tội do người chưa thành niên thực hiện.
Hai là, người thực hiện hành vi phạm tội đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với loại tội phạm và lỗi gây ra tội phạm.
Ba là, người đó thực tế phải chịu trách nhiệm hình sự sau khi các cơ quan có thẩm quyền cân nhắc tính cần thiết phải xử lý bằng hình sự mà không thể áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp khác để quản lý; giáo dục và phòng ngừa tội phạm.
Tội phạm do người chưa thành niên gây ra bao giờ cũng gắn liền với một người chưa thành niên có hành vi phạm tội cụ thể. Nhưng không phải mọi trường hợp một người chưa thành niên thực hiện hành vi phạm tội đều trở thành tội phạm.
Tội phạm do người chưa thành niên gây ra có những đặc điểm riêng so với tội phạm do người đã thành niên gây ra. Tội phạm do người đã thành niên gây ra là những hành vi nguy hiểm cho xã hội có đủ dấu hiệu tội phạm; đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tội phạm do người chưa thành niên gây ra ngoài những dấu hiệu và yếu tố pháp lý còn được xác định bằng sự nhận định; cân nhắc cụ thể của cơ quan có thẩm quyền khi quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội.
Từ những phân tích trên có thể khái niệm:
Tội phạm do người chưa đủ tuổi thành niên gây ra là hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện bởi người dưới 18 tuổi và người đó phải chịu trách nhiệm tương ứng với hành vi và lỗi của mình theo phán xét của cơ quan tiến hành tố tụng…
Khái niệm tội phạm do người chưa thành niên gây ra không đồng nhất với khái niệm người chưa thành niên phạm tội. Nhưng hai khái niệm đó có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Khái niệm người chưa thành niên phạm tội là khái niệm dùng để chỉ một dạng chủ thể đặc biệt (người chưa thành niên) thực hiện hành vi phạm tội; còn khái niệm tội phạm do người chưa thành niên gây ra là khái niệm dùng để chỉ tội phạm đã được thực hiện bởi một dạng chủ thể đặc biệt (người chưa thành niên).
CÔNG TY TƯ VẤN LUẬT HỒNG MINH
Hotline: 0969 439 507
Email: tuvanhongminh@gmail.com
Trụ sở chính: Số 31 Ngõ 221 Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội
VPGD: Phòng 611, toà 27A1 Green star, 234 Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.