CÂU HỎI
Năm 2014, tôi sang Thái Lan phẫu thuật chuyển đổi giới tính để được sống thật với con người mình. Nhưng bị người nhà phản đối kịch liệt. Kết quả sau đó được như tôi mong muốn. Bố mẹ tuyên bố sẽ từ mặt nếu tôi phẫu thuật, nên tôi đã ra ngoài thuê nhà sống riêng.
Gần đây tôi có việc liên quan đến hồ sơ. Nên tôi phải về phường để làm thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ tùy thân. Nhân viên hành chính ở UBND phường cũng biết bố mẹ tôi, nên kể cho họ. Mẹ tôi đã lập tức tác động để chị này gây khó dễ, không cho tôi sửa giấy khai sinh. Đến giờ đã đi lại cả chục lần mà tôi vẫn không làm được. Xin hỏi việc gây khó dễ đó có phạm luật không? Tôi phải làm gì để bảo vệ được quyền lợi của mình?
Ngô Hồng Hạnh
(quận Thanh Xuân, Hà Nội)
TRẢ LỜI
Kể từ ngày 1/1/2017, Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực thi hành. Trong đó cho phép cá nhân thực hiện việc chuyển đổi giới tính. “Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi” (Điều 37 BLDS 2015). Vì vậy, đối với trường hợp của bạn, bạn có quyền và nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo Luật hộ tịch năm 2014:
Việc nhân viên hành chính ở UBND (công chức làm công tác hộ tịch) tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật cá nhân và trì hoãn, gây khó khăn, cản trở công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình là những hành vi vi phạm pháp luật quy định tại Điều 74.1 và 74.6 Luật này. Công chức có các hành vi vi phạm trên thì có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật cán bộ, công chức năm 2008.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn có thể khiếu nại trực tiếp hoặc khiếu nại bằng đơn lần thứ nhất đến UBND xã nơi có cán bộ có hành vi vi phạm nêu trên để được giải quyết. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại của bạn không được giải quyết thì bạn có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án. (Điều 7, 8 Luật khiếu nại năm 2011).
Lưu ý
Để giải quyết trường hợp thay đổi hộ tịch do chuyển đổi giới tính thì Luật hộ tịch hiện nay còn chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện. Luật mới chỉ quy định thẩm quyền đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch đối với công dân Việt Nam đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước là thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện; (UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương). Do đó, bạn có thể gửi yêu cầu thay đổi hộ tịch trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tích cấp huyện hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính. Hoặc gửi qua hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến (Điều 9 Luật hộ tịch năm 2014).
CÔNG TY TƯ VẤN LUẬT HỒNG MINH
Hotline: 0969 439 507
Email: tuvanhongminh@gmail.com
Trụ sở chính: Số 31 Ngõ 221 Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội
VPGD: Phòng 611, toà 27A1 Green star, 234 Phạm Văn Đồng, phường cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.