Kinh doanh nhượng quyền thương mại hiện đang là một xu thế của nền kinh tế ngày một hội nhập và phát triển của nước ta hiện nay. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp mở rộng quy mô kinh doanh cũng như thu hút các thương hiệu nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.Và đối với vấn đề nhượng quyền thương mại, Pháp luật Việt Nam cũng có những quy định liên quan yêu cầu các đối tượng nhượng quyền và nhận nhượng quyền cần tuân thủ.
1. Căn cứ pháp lý
- Luật thương mại 2005;
- Nghị định 35/2006/NĐ-CP Nghị định của Chính Phủ Quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại;
- Nghị định 08/2018/NĐ-CP Nghị định của Chính Phủ Sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
2. Nhượng quyền thương mại là gì?
Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
- Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
- Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Ví dụ: Một cá nhân/đơn vị muốn nhượng quyền thương mại từ thương hiệu đồ ăn nhanh A. Theo đó, cá nhân đó sẽ được tự mình kinh doanh, dưới thương hiệu đồ ăn nhanh A, được tư vấn, hỗ trợ về cách pha chế và phân phối sản phẩm; đồng thời, cá nhân này cũng phải tuân thủ các điều kiện, quy định về nguyên liệu, máy móc, thiết bị sử dụng, …. của A.
3. Điều kiện nhượng quyền thương mại
- Điều kiện với bên nhượng quyền: Thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm
- – Đối với bên nhận nhượng quyền : Trước đây quy định tại về hướng dẫn nhận nhượng quyền thương mại thì thương nhân được phép nhận quyền thương mại khi có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền thương mại. Tuy nhiên, căn cứ vào Nghị định 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ công thương thì quy định về điều kiện trên đã bị bãi bỏ, có nghĩa là nhà nước không còn quy định về điều kiện đối với bên nhận nhượng quyền thương mại.
4. Về nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại
Hợp đồng nhượng quyền thương mại trong trường hợp các bên lựa chọn áp dụng luật Việt Nam phải có những nội dung chủ yếu về:
- Nội dung của quyền thương mại.
- Quyền, nghĩa vụ của Bên nhượng quyền.
- Quyền, nghĩa vụ của Bên nhận quyền.
- Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán.
- Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.
- Gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp.
5. Đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại
Đối với doanh nghiệp dự kiến nhượng quyền thương mại thì trước khi tiến hành hoạt động nhượng quyền thương mại phải đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền. Trừ trường hợp nhượng quyền trong nước, nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài thì không cần thực hiện thủ tục đăng ký mà doanh nghiệp dự kiến nhượng quyền thương mại thực hiện chế độ báo cáo Sở Công Thương.
Lời kết
Trên đây là một số nội dung tư vấn của Luật Hồng Minh chúng tôi về những quy định của pháp luật liên quan đến nhượng quyền thương mại. Nếu quý khách hàng vẫn còn băn khoăn, câu hỏi cần được giải đáp, quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua số hotline: 0843.246.222 hoặc tuvanhongminh@gmail.com để được các luật sư của chúng tôi tư vấn và hỗ trợ trực tiếp. Hồng Minh luôn hân hạnh và sẵn sàng đồng hành cùng sự phát triển của quý khách hàng