CÂU HỎI:
Xin chào công ty Luật Hồng Minh. Tôi có một công ty kinh doanh dịch vụ xuất khẩu lao động có trụ sở ở Thanh Xuân. Gần đây vì lý do kinh tế nên công ty tôi đang trong quá trình thực hiện thủ tục giải thể. Tôi không biết là đối với giấy phép xuất khẩu lao động có cần nộp lại hay không, có khác với thu hồi hay không? Hậu quả pháp lý trong từng trường hợp như thế nào? Tôi xin cảm ơn!
TRẢ LỜI:
Trước tiên, Luật Hồng Minh cảm ơn bạn vì đã tin tưởng lựa chọn dịch vụ tư vấn pháp lý của chúng tôi. Đối với vấn đề bạn thắc mắc, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin như sau:
1. Cơ sở pháp lý
- Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006
- Thông tư 21/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định 126/2007/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ lao động, thương binh và xã hội ban hành
2. Nộp lại Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Các trường hợp nộp lại giấy phép:
Doanh nghiệp dịch vụ phải nộp lại Giấy phép cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động;
b) Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Như vậy, nộp lại giấy phép là hoạt động chủ động từ phía doanh nghiệp dịch vụ khi không còn kinh doanh ngành nghề đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Điều này là hợp lý khi giấy phép được cấp để doanh nghiệp có thể thực hiện hoạt động này một cách hợp pháp và sẽ không còn ý nghĩa khi doanh nghiệp kết thúc kinh doanh. Hơn nữa, việc nộp lại có ý nghĩa trong việc quản lý lao động; đối với cơ quan có thẩm quyền.
Trình tự thực hiện nộp lại giấy phép:
Trong thời hạn mười ngày kể từ ngày có quyết định chấm dứt hoạt động, doanh nghiệp dịch vụ phải thông báo bằng văn bản cho Cục Quản lý lao động ngoài nước về việc chấm dứt hoạt động, nộp lại cho Cục Quản lý lao động ngoài nước Giấy phép đã được cấp và báo cáo về các hợp đồng đang còn hiệu lực, số lượng người lao động đang làm việc ở nước ngoài; số lượng người lao động đã tuyển chọn đối với những hợp đồng còn hiệu lực, các khoản đóng góp của người lao động đã được tuyển chọn để đưa đi làm việc ở nước ngoài; việc đóng góp Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; phương án thực hiện trách nhiệm đối với các hợp đồng còn hiệu lực.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước theo quy định của pháp luật, trách nhiệm đối với người lao động theo các hợp đồng đã ký kết, doanh nghiệp dịch vụ báo cáo bằng văn bản cho Cục Quản lý lao động ngoài nước về việc hoàn thành nghĩa vụ kèm theo các tài liệu chứng minh việc hoàn thành các nghĩa vụ đó. Cục Quản lý lao động ngoài nước xem xét và có văn bản để doanh nghiệp rút tiền ký quỹ theo quy định của pháp luật.
3. Thu hồi Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Trường hợp thu hồi giấy phép:
Doanh nghiệp dịch vụ bị thu hồi Giấy phép khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Không làm thủ tục đổi Giấy phép hoặc không được đổi Giấy phép.
- Không bảo đảm các điều kiện cấp giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
- Trong thời hạn mười hai tháng, kể từ ngày được cấp Giấy phép; mà không đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
- Thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định pháp luật; thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ quy định của doanh nghiệp dịch vụ gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất và tinh thần đối với người lao động.
Thu hồi giấy phép là hoạt động của cơ quan có thẩm quyền khi doanh nghiệp dịch vụ vi phạm các quy định của pháp luật. Như vậy, về bản chất; đây là một loại chế tài mà pháp luật quy định cho doanh nghiệp dịch vụ.
Trình tự thực hiện thu hồi giấy phép:
Trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có quyết định thu hồi Giấy phép, doanh nghiệp dịch vụ phải nộp lại cho Cục Quản lý lao động ngoài nước Giấy phép đã được cấp và báo cáo về các hợp đồng đang còn hiệu lực, số lượng người lao động đang làm việc ở nước ngoài; số lượng người lao động đã tuyển chọn đối với những hợp đồng còn hiệu lực, các khoản đóng góp của người lao động đã được tuyển chọn để đưa đi làm việc ở nước ngoài; việc đóng góp Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; phương án thực hiện trách nhiệm đối với các hợp đồng còn hiệu lực.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước theo quy định của pháp luật và trách nhiệm đối với người lao động theo các hợp đồng đã ký kết, doanh nghiệp dịch vụ báo cáo bằng văn bản cho Cục Quản lý lao động ngoài nước về việc hoàn thành nghĩa vụ kèm theo các tài liệu chứng minh việc hoàn thành các nghĩa vụ đó. Cục Quản lý lao động ngoài nước xem xét và có văn bản để doanh nghiệp rút tiền ký quỹ theo quy định của pháp luật.
Lưu ý về thu hồi giấy phép:
Doanh nghiệp dịch vụ bị thu hồi Giấy phép được xem xét cấp Giấy phép sau hai năm (năm năm với trường hợp thu hồi do vi phạm nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ), kể từ ngày Quyết định thu hồi Giấy phép có hiệu lực, nếu đáp ứng đủ các điều kiện của pháp luật và hoàn thành nghĩa vụ về tài chính.
Trên đây là nội dung tư vấn về thủ tục nộp lại và thu hồi giấy phép hoạt động đưa người lao động ra nước ngoài làm việc. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn vui lòng liên hệ Hotline 0843 246 222. Luật Hồng Minh luôn cam kết dịch vụ tốt nhất đến khách hàng.
Trân trọng!
CÔNG TY TƯ VẤN LUẬT HỒNG MINH
Hotline: 0843 246 222
Email: tuvanhongminh@gmail.com
Trụ sở chính: Số 31 Ngõ 221 Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội
VPGD: Phòng 611, toà 27A1 Green star, 234 Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.