Thành lập tổ chức khoa học và công nghệ
Phát triển khoa học công nghệ là ưu tiên của mọi quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Yêu cầu đặt ra là phải bắt kịp các tiến bộ khoa học công nghệ trên thế giới và tiến tới phát triển làm chủ riêng về các lĩnh vực công nghệ nước nhà. Để đạt được mục tiêu này cần phải xây dựng được hệ thống cơ sở nghiên cứu chuyên nghiệp cả về chất lượng và số lượng. Do đó, điều kiện để thành lập tổ chức khoa học và công nghệ vô cùng chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả hoạt động sau này. Bao gồm các điều kiện về điều lệ, nhân lực, vật lực đáp ứng nghiên cứu. Cụ thể các điều kiện trên được quy định trong Luật Khoa học và công nghệ năm 2013, Nghị định 08/2014/NĐ-CP và Thông tư 03/2014/TT-BKHCN.
1. Điều lệ tổ chức và hoạt động:
Điều lệ của tổ chức khoa học và công nghệ được cơ quan, tổ chức thành lập phê duyệt. Chức năng, nhiệm vụ chủ yếu quy định trong điều lệ phải phù hợp với ngành, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức chủ quản đó. Việc sửa đổi, bổ sung điều lệ do cơ quan, tổ chức phê duyệt điều lệ quyết định; hoặc được quy định trong điều lệ.
Tên của tổ chức
Tên tổ chức khoa học và công nghệ bao gồm tên đầy đủ, tên giao dịch quốc tế và tên viết tắt (nếu có), được viết bằng các chữ cái trong Bảng chữ cái tiếng Việt, có thể kèm theo các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu, phát âm được. Tên đầy đủ bao gồm hình thức của tổ chức khoa học công nghệ; tên riêng của tổ chức khoa học công nghệ.
Tên gọi của tổ chức phải phù hợp với lĩnh vực hoạt động chính, không được trùng lặp với tổ chức khoa học và công nghệ khác, không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo đảm không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Tên gọi của tổ chức bao gồm:
Tên đầy đủ bằng tiếng Việt: bao gồm hình thức của tổ chức (viện, trung tâm…) và tên riêng của tổ chức; phần tên riêng phải phù hợp với lĩnh vực đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ chính của tổ chức.
Tên giao dịch quốc tế: tên tổ chức khoa học và công nghệ bằng tiếng nước ngoài được dịch từ tên tiếng Việt tương ứng; phần tên riêng có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
Tên viết tắt: nếu tổ chức khoa học và công nghệ có tên viết tắt (kể cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài), thì tên viết tắt phải bao gồm những chữ cái đầu của các từ là yếu tố chính của tên (cụm từ) đó.
Vốn điều lệ
Đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập; vốn điều lệ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định khi thành lập.
Đối với tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập và có vốn nước ngoài, vốn điều lệ do tổ chức, cá nhân thành lập quyết định. Trong đó, vốn bằng tiền tại thời điểm đăng ký phải bảo đảm đủ kinh phí hoạt động thường xuyên (bao gồm tiền lương, tiền công và tiền chi hoạt động bộ máy…) của tổ chức ít nhất trong 01 năm.
Đối với tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài, tỷ lệ vốn góp của bên nước ngoài phải chiếm ít nhất 10% vốn điều lệ của tổ chức.
Ngoài ra, điều lệ còn cần có các nội dung như sau:
- Mục tiêu, phương hướng hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ không được vi phạm các quy định tại Điều 8 của Luật khoa học và công nghệ và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
- Trụ sở chính có địa chỉ được xác định rõ theo địa danh hành chính; có số điện thoại, số fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có)
- Người đại diện.
- Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức khoa học và công nghệ; phù hợp mục tiêu, phương hướng hoạt động.
- Lĩnh vực hoạt động, thuộc một trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm; sản xuất, kinh doanh sản phẩm là kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; dịch vụ khoa học và công nghệ. Trường hợp tổ chức khoa học và công nghệ do cá nhân thành lập thì lĩnh vực hoạt động theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
- Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của các chức danh trong bộ máy lãnh đạo; và các cơ quan khác của tổ chức khoa học và công nghệ.
- Điều kiện, trình tự, thủ tục sáp nhập, chia, tách, giải thể (nếu có).
- Cam kết tuân thủ pháp luật.
2. Điều kiện về nhân lực
Mỗi tổ chức khoa học và công nghệ phải có ít nhất 05 (năm) người có trình độ đại học trở lên bao gồm làm việc chính thức và kiêm nhiệm, trong đó có ít nhất 30% có trình độ chuyên môn phù hợp với lĩnh vực chủ yếu xin đăng ký hoạt động và ít nhất 40% làm việc chính thức.
Trường hợp thành lập tổ chức khoa học và công nghệ để phát triển ngành khoa học và công nghệ mới thì tổ chức khoa học và công nghệ phải có ít nhất (một) người có trình độ đại học trở lên thuộc ngành đăng ký hoạt động làm việc chính thức.
Người đứng đầu của tổ chức khoa học và công nghệ là viện trưởng; giám đốc trung tâm hoặc các chức vụ tương đương. Người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ công lập phải có trình độ đại học trở lên; có năng lực chuyên môn phù hợp và có ít nhất 01 năm kinh nghiệm tham gia quản lý.
Đối với tổ chức khoa học và công nghệ được thành lập dưới hình thức viện; người đứng đầu phải có trình độ tiến sĩ. Trường hợp thành lập viện công lập trong một số ngành, lĩnh vực đặc thù; trình độ người đứng đầu do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định.
Người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập và có vốn nước ngoài phải có trình độ đại học trở lên, có kinh nghiệm quản lý, năng lực chuyên môn phù hợp và phải làm việc theo chế độ chính thức.
3. Cơ sở vật chất – kỹ thuật
Có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng trụ sở, nhà xưởng, phòng thí nghiệm, máy móc thiết bị, tài sản trí tuệ, các phương tiện vật chất – kỹ thuật khác để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức khoa học và công nghệ.
Tổng số vốn ghi trên Giấy chứng nhận của tổ chức khoa học và công nghệ; là tổng giá trị cơ sở vật chất – kỹ thuật quy ra tiền tại thời điểm đăng ký hoạt động. Số vốn này là một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của tổ chức khoa học và công nghệ.
4. Phù hợp với quy hoạch
Việc thành lập tổ chức khoa học và công nghệ công lập phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ và ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ theo phân cấp của Chính phủ. Trường hợp Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc thì Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Hội đồng liên ngành để thẩm định.
5. Điều kiện của tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài
Bên cạnh việc tuân theo các điều kiện trên, việc thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
- Mục đích, nội dung, lĩnh vực hoạt động phù hợp với quy định của pháp luật; yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ và phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam;
- Được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép thành lập;
- Được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép đặt trụ sở làm việc tại địa phương.
Trên đây là nội dung tư vấn về điều kiện thành lập tổ chức khoa học và công nghệ. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn vui lòng liên hệ Hotline 0843 246 222. Chúng tôi luôn cam kết dịch vụ tốt nhất đến khách hàng.
Mời bạn xem chi tiết bài viết dịch vụ thành lập công ty của Luật Hồng Minh tại: https://luathongminh.com/dich-vu-thanh-lap-cong-ty-uy-tin-tron-goi-gia-re/
Trân trọng!
CÔNG TY TƯ VẤN LUẬT HỒNG MINH
Hotline: 0843 246 222
Email: tuvanhongminh@gmail.com
Trụ sở chính: Số 31 Ngõ 221 Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội
VPGD: Phòng 611, toà 27A1 Green star, 234 Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.