Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư
Đầu tư ra nước ngoài là việc nhà đầu tư chuyển vốn; hoặc thanh toán mua một phần hoặc toàn bộ cơ sở kinh doanh; hoặc xác lập quyền sở hữu để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ngoài lãnh thổ Việt Nam; đồng thời trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư đó. Đầu tư ra nước ngoài bao gồm đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp.
Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài bao gồm các hình thức: thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư; thực hiện hợp đồng BCC ở nước ngoài; mua lại một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý và thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại nước ngoài; các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
Dự án đầu tư ra nước ngoài có thể phải thực hiện quyết định chủ trương đầu tư nếu thuộc các trường hợp pháp luật quy định. Trong trường hợp không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư, để thực hiện các dự án này vẫn phải tiến hành xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo thủ tục như sau:
1. Cơ sở pháp lý
- Luật đầu tư năm 2014
- Nghị định 83/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài
2. Điều kiện cấp giấy chứng nhận
- Hoạt động đầu tư ra nước ngoài phù hợp với nguyên tắc đầu tư ra nước ngoài.
- Hoạt động đầu tư ra nước ngoài không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
- Nhà đầu tư có cam kết tự thu xếp ngoại tệ hoặc được tổ chức tín dụng được phép cam kết thu xếp ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài; trường hợp khoản vốn bằng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài tương đương 20 tỷ đồng trở lên và không thuộc dự án phải quyết định chủ trương đầu tư thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Có quyết định đầu tư ra nước ngoài.
- Có văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự án đầu tư.
3. Hồ sơ cấp giấy chứng nhận
- Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
- Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức, bao gồm một trong các giấy tờ sau đây: Giấy phép đầu tư; hoặc Giấy chứng nhận đầu tư; hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; hoặc quyết định thành lập.
- Quyết định đầu tư ra nước ngoài.
- Văn bản cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản của tổ chức tín dụng được phép cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư.
- Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, khoa học và công nghệ, nhà đầu tư nộp văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, Luật chứng khoán, Luật khoa học và công nghệ, Luật kinh doanh bảo hiểm.
- Văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư; tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự án đầu tư.
Lưu ý về hồ sơ cấp giấy chứng nhận
Các dự án đầu tư sau đây phải có tài liệu xác nhận địa điểm thực hiện:
- Dự án năng lượng;
- Dự án nuôi, trồng, đánh bắt, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy hải sản;
- Dự án đầu tư trong lĩnh vực khảo sát, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản;
- Dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến, chế tạo;
- Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản, cơ sở hạ tầng.
Tài liệu xác nhận địa điểm thực hiện dự án đầu tư gồm một trong các loại sau:
- Giấy phép đầu tư hoặc văn bản có giá trị tương đương của quốc gia; vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư; trong đó có nội dung xác định địa điểm và quy mô sử dụng đất;
- Quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;
- Hợp đồng trúng thầu, thầu khoán hoặc hợp đồng giao đất, cho thuê đất; hợp đồng hợp tác đầu tư, kinh doanh, trong đó xác định rõ địa điểm, quy mô sử dụng đất;
- Thỏa thuận nguyên tắc về việc giao đất, cho thuê đất, thuê địa điểm kinh doanh, thỏa thuận hợp tác đầu tư, kinh doanh của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tại quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư.
Nhà đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính trung thực của tài liệu và nội dung đăng ký đầu tư để thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư, Nghị định này và theo mẫu quy định.
4. Trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận
Nhà đầu tư nộp 03 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài (trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc) cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời đăng ký thông tin đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc có nội dung cần phải làm rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ để hoàn thiện hồ sơ.
Trường hợp dự án có vốn đăng ký chuyển ra nước ngoài bằng ngoại tệ tương đương 20 tỷ đồng trở lên thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; thì phải thông báo cho nhà đầu tư bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trên đây là nội dung tư vấn về thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn vui lòng liên hệ Hotline 0843 246 222. Luật Hồng Minh luôn cam kết dịch vụ tốt nhất đến khách hàng.
Trân trọng!
Liên hệ với chúng tôi
CÔNG TY TƯ VẤN LUẬT HỒNG MINH
Hotline: 0843 246 222
Email: tuvanhongminh@gmail.com
Trụ sở chính: Số 31 Ngõ 221 Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội
VPGD: Phòng 611, toà 27A1 Green star, 234 Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.