Đối tượng chứng minh trong vụ án mà bị can bị cáo là người chưa thành niên

Đối tượng chứng minh trong vụ án mà bị can bị cáo là người chưa thành niên – Hoạt động chứng minh trong TTHS chính là quá trình nhận thức làm sáng tỏ nội dung của vụ án và các tình tiết có liên quan đến vụ án. Mục đích của hoạt động chứng minh trong tố tụng hình sự là để phục vụ cho việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự.

Đối tượng chứng minh trong vụ án mà bị can bị cáo là người chưa thành niên

Đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự được quy định:

  • Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;
  • Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;
  • Những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can bị cáo là người chưa thành niên và những đặc điểm về nhân thân của bị can bị cáo là người chưa thành niên;
  • Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Tuy nhiên, đối với vụ án mà bị can bị cáo là người chưa thành niên thì ngoài những vấn đề có tính chất bắt buộc chung cần phải chứng minh trên thì còn một số vấn đề đặc biệt khác cũng cần phải chứng minh và làm rõ. Cụ thể quy định tại Khoản 2 Điều 302 Bộ luật TTHS 2003.

1. Tuổi, trình độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người chưa thành niên.

Xác định tuổi của người chưa thành niên là một vấn đề quan trọng trong quá trình tiến hành tố tụng của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án nhằm mục đích xác định có truy cứu hay không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đó; quyết định hình phạt thích hợp và đảm bảo chế độ thi hành án đúng quy định của pháp luật đối với người chưa thành niên.

Do đó, khi điều tra, truy tố, xét xử những bị can, bị cáo mà lý lịch của họ chưa được làm rõ thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án chỉ được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử khi có đầy đủ căn cứ kết luận rằng bị can bị cáo là người đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS và chỉ được áp dụng đường lối xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội khi có đủ căn cứ để kết luận rằng bị cáo chưa thành niên khi phạm tội.

Xác định tuổi của bị can, bị cáo:

Việc xác định tuổi của bị can bị cáo là người chưa thành niên do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác ngày, tháng, năm sinh của bị can, bị cáo thì tuổi của họ được xác định như sau:

  • Trường hợp xác định được tháng sinh cụ thể nhưng không xác định được ngày thì trong tháng đó lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo.
  • Trường hợp xác định được quý cụ thể của năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào trong quý đó thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo;
  • Trường hợp xác định được cụ thể nửa đầu năm hay nửa cuối năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào trong nửa đầu năm hoặc nửa cuối năm đó thì lấy ngày 30 tháng 6 hoặc ngày 31 tháng 12 tương ứng của năm đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo;
  • Trường hợp xác định được năm sinh cụ thể nhưng không xác định được ngày tháng sinh của bị can, bị cáo thì lấy ngày 31 tháng 12 của năm đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo.
  • Trường hợp không xác định được năm sinh của bị can bị cáo là người chưa thành niên thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi của họ.

Điều 417 BLTTHS năm 2015 đã có sự sửa đổi, bổ sung so với điều 11, 12 của Thông tư số 01 về cách xác định độ tuổi của bị can, bị cáo, người bị hại là người dưới 18 tuổi, đó là:

Thứ nhất

Điều 417 BLTTHS năm 2015 đã mở rộng hơn về phạm vi đối tượng để xác định độ tuổi dưới 18 tuổi: Theo Thông tư số 01 thì đối tượng để xác định độ tuổi dưới 18 tuổi là bị can, bị cáo và người bị hại, nhưng trên thực tế khi bắt, tạm giữ người dưới 18 tuổi thì các cơ quan tiến hành tố tụng đã tiến hành các biện pháp thu thập tài liệu xác định đội tuổi của họ trước khi ra quyết định khởi tố bị can.

Vì vậy khoản 1 điều 417 đã quy định cụ thể đối tượng là người bị buộc tội (gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) và người bị hại dưới 18 tuổi để buộc các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thực hiện các biện pháp xác minh độ tuổi đối với người bị buộc tội trước khi ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can thay vì thực hiện tùy nghi như trước đây nhằm hạn chế đến mức thấp nhất trong một số trường hợp khởi tố vụ án, khởi tố bị can sau đó phải đình chỉ do người phạm tội dưới 18 tuổi.

Thứ hai

Về cách xác định độ tuổi của người bị hại theo khoản 2 điều 417 đã có sự thay đổi: Theo điều 12 của Thông tư số 01 thì cách xác định tuổi của người bị hại theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo, có nghĩa là trong trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định chính xác ngày, tháng sinh của người bị hại thì lấy ngày đầu tiên của tháng, của quý, của năm đó để làm ngày tháng sinh. Trong khi đó khoản 2 điều 417 lại quy định cách xác định độ tuổi của người bị buộc tội và người bị hại là như nhau (đều lấy ngày cuối cùng của tháng, của quý, của năm để làm ngày, tháng sinh).

Như vậy

Có thể thấy cách xác định độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi theo điều 417 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bảo đảm được sự công bằng giữa người bị buộc tội với người bị hại theo nguyên tắc cơ bản của Bộ Luật Tố tụng hình sự là “bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật”, tuy nhiên về một góc độ nào đó lại không thể hiện được tinh thần của nguyên tắc suy đoán vô tội, có nghĩa là nếu không chứng minh được thì nên tính theo hướng có lợi người bị buộc tội. Thiết nghĩ điều 417 nên quy định cách xác định độ tuổi của người bị buộc tội và người bị hại theo tinh thần của Thông tư số 01 sẽ là phù hợp hơn.

2. Điều kiện sinh sống và giáo dục

Điều kiện sinh sống và giáo dục người chưa thành niên có ảnh hưởng đến việc xác định một số điểm liên quan tới hành vi phạm tội do người chưa thành niên gây ra và khả năng cải tạo, giáo dục họ. Do đó khi tiến hành thủ tục tố tụng đối với vụ án mà bị can bị cáo là người chưa thành niên chúng ta cần xác định:

  • Điều kiện sống của gia đình;
  • Thái độ của cha mẹ đối với việc giáo dục con cái;
  • Môi trường sinh hoạt xung quanh; nội dung giáo dục của nhà trường; nơi làm việc; nơi cư trú có ảnh hưởng đến hành vi phạm tội của người chưa thành niên hay không.

Đối với người chưa thành niên thì điều kiện sống của gia đình cũng như thái độ giáo dục của cha mẹ là yếu tố ảnh hưởng đầu tiên và quan trọng nhất trong việc đào tạo tư cách và tính cách của người chưa thành niên. Người chưa thành niên bị ảnh hưởng trước hết bởi những yếu tố tiêu cực trong chính môi trường gia đình của họ. Như thói quen; tật xấu (cờ bạc; rượu chè; các hành vi vi phạm pháp luật;…) của các thành viên trong gia đình mà trước hết là cha mẹ. Nó đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành nhân cách lệch lạc của người chưa thành niên.

Hơn nữa

Những gia đình có cấu trúc không hoàn hảo. Như bố mẹ chết hoặc ly hôn; khiến cho người chưa thành niên trong gia đình thường không được quan tâm; chăm sóc chu đáo và dạy bảo đầy đủ; thiếu thốn tình cảm; thiếu thốn về kinh tế; thiếu điều kiện học tập;… dẫn đến không có phương hướng hành động đúng đắn; dễ bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng tiêu cự khác; dễ phạm tội.

Thái độ của cha mẹ đối với việc giáo dục người chưa thành niên cũng ảnh hưởng lớn đến hành vi của họ. Sự thiếu chăm sóc của gia đình đối với việc giáo dục con cái đã làm cho người chưa thành niên không được uốn nắn kịp thời khi có sai phạm. Việc bố mẹ quá chiều chuộng hay thái độ quá khắt khe trong giáo dục cũng tác động tiêu cực dẫn tới hành vi phạm tội của người chưa thành niên.

Nếu gia đình là ảnh hưởng đầu tiên và quan trọng nhất thì nhà trường cũng góp phần hết sức quan trọng vào việc hình thành nhân cách của người chưa thành niên. Không chỉ dạy; truyền thụ kiến thức; nhà trường còn giáo dục những phẩm chất nhân cách của học sinh. Và hoàn thiện những nhân cách ấy. Thực tế cho thấy thường những học sinh bị lưu ban; hay bỏ học; đi lang thang… dễ sa vào con đường phạm tội.

Những hiện tượng tiêu cực ngoài xã hội cũng có ảnh hưởng đến đầu óc nhạy cảm và hiếu động của người chưa thành niên. Môi trường xung quanh không lành mạnh sẽ có tác động rất lớn đến người chưa thành niên. Dẫn đến những hành động không lành mạnh của họ.

3. Có hay không người thành niên xúi giục

Với sự non yếu về kinh nghiệm sống; dễ tin và nhẹ dạ; người chưa thành niên đã trở thành đối tượng dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội từ những người đã thành niên. Thậm chí đôi khi chúng còn ép buộc; đe dọa; khống chế buộc các em phải thực hiện hành vi phạm tội. Thực tế cho thấy người chưa thành niên thực hiện hành vi phạm tội thường có sự tham gia và chỉ huy của người đã thành niên. Đặc biệt những kẻ xấu thường lợi dụng triệt để hoàn cảnh khó khăn của người chưa thành niên để lôi kéo, kích động. Trong nhiều trường hợp nó là nhân tố quyết định sự sa ngã, phạm tội của người chưa thành niên.

Theo điểm i Khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 thì phạm tội vì bị người khác đe dọa; cưỡng bức là một trong những tình tiết giảm nhẹ. Vì vậy trong những vụ án mà bị can bị cáo là người chưa thành niên cần phải xác định có người lớn xúi giục hay không. Ngoài ra để phát hiện đồng phạm trong vụ án mà bị can bị cáo là người chưa thành niên đảm bảo không để lọt kẻ phạm tội; không làm oan người vô tội; các cơ quan tiến hành tố tụng cũng cần xác định xem có người thành niên xúi giục hay không.

4. Nguyên nhân và điều kiện phạm tội

Muốn đấu tranh phòng, chống tội phạm đối với người chưa thành niên phạm tội có hiệu quả; đồng thời đề ra biện pháp khắc phục và ngăn ngừa hợp lý; chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân và điều kiện dẫn họ đến con đường phạm tội.

Trong thực tế cũng như trong lý luận có nguyên nhân và điều kiện không thể phủ nhận được đó là:

  • Môi trường gia đình; nhà trường; xã hội là những nguyên nhân;
  • Đặc điểm tâm lý lứa tuổi người chưa thành niên là điều kiện ảnh hưởng và tác động lẫn nhau một cách biện chứng làm phát sinh tội phạm ở người chưa thành niên.

Môi trường gia đình; nhà trường; xã hội luôn gắn bó mật thiết với nhau và tác động trực tiếp đến con người. Đặc biệt là người chưa thành niên. Những yếu tố tiêu cực trong gia đình; sự buông lỏng quản lý; giáo dục; nhà trường còn thiếu kiên quyết; chưa làm tròn trách nhiệm trong việc quản lý; dạy dỗ học sinh; tình trạng bất cập trong tổ chức cộng đồng; trong quản lý xã hội;… ảnh hưởng không nhỏ đến bị can bị cáo là người chưa thành niên.

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử với những vụ án mà bị can bị cáo là người chưa thành niên, cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định nguyên nhân và và điều kiện phạm tội nhằm:

  • Đề ra các biện pháp xử lý phù hợp và đúng đắn theo quy định của pháp luật.
  • Yêu cầu các cơ quan hoặc tổ chức hữu quan áp dụng những biện pháp cần thiết. Nhằm khắc phục nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm tại các cơ quan hoặc tổ chức đó. Góp phần vào việc đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả.

Trong thực tế, để làm rõ nguyên nhân và điều kiện phạm tội cần phải thu thập những tài liệu về gia đình, nhà trường và xã hội để nghiên cứu. Cụ thể là:

  • Nguồn gốc phát sinh những quan niệm; những thói quen phạm pháp như sự giáo dục của gia đình; sự lôi kéo; rủ rê của bạn bè; sự tiêm nhiễm thói hư tật xấu của những người xung quanh;
  • Những tình tiết dẫn đến việc hình thành ý đồ phạm tội và điều kiện dẫn đến việc người chưa thành niên thực hiện tội phạm;
  • Điều kiện tìm kiếm hoặc có được công cụ; phương tiện phạm tội;
  • Động cơ thúc đẩy người chưa thành niên thực hiện tội phạm.

CÔNG TY TƯ VẤN LUẬT HỒNG MINH

Hotline: 0969 439 507

Email: tuvanhongminh@gmail.com

Trụ sở chính: Số 31 Ngõ 221 Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội

VPGD: Phòng 611, toà 27A1 Green star, 234 Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Tags: , , , , , , , , ,

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin tức khác

Design by Công ty Công nghệ và Truyền thông Ngọc Thắng
0843.246.222