Doanh nghiệp được phép thành lập văn phòng đại diện để mở rộng hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên sau một thời gian hoạt động nếu không thể đem hiệu quả cao, doanh nghiệp có thể lựa chọn chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện Vậy thủ tục để tiến hành chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện tiến hành như thế nào? Trong bài viết dưới đây, Luật Hồng Minh sẽ giúp bạn tìm hiểu về vấn đề này.
1.Căn cứ pháp lý
- Luật Doanh nghiệp 2020
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP
- Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT
2.Khi nào doanh nghiệp tiến hành thủ tục chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện.
Theo Khoản 1 Điều 213 Luật Doanh nghiệp 2020 thì có hai trường hợp doanh nghiệp có thể tiến hành chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện:
- Theo quyết định của chính doanh nghiệp
- Theo quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của văn phòng đại diện
Vậy, văn phòng đại diện có thể chấm dứt hoạt động theo quyết định chủ động của chính doanh nghiệp đó. Ngoài ra, văn phòng đại diện nếu bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký thì bắt buộc phải chấm dứt hoạt động theo quy định
3.Thủ tục giải thể văn phòng đại diện
Để có thể thuận lợi giải thể văn phòng đại diện công ty, doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đóng cửa văn phòng đại diện đầy đủ và thực hiện theo trình tự sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ khóa mã số thuế văn phòng đại diện.
Để khóa mã số thuế chúng ta cần nộp hồ sơ, thủ tục đóng mã số thuế văn phòng đại diện tại Chi cục thuế quản lý của văn phòng đại diện.Hồ sơ gồm :
- Thông báo chấm dứt hiệu lực mã số thuế ( theo mẫu Thông tư 105/2020/TT-BTC).
- Quyết định giải thể văn phòng đại diện.
- Biên bản họp Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông về việc giải thể văn phòng đại diện.
- Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện (bản sao).
Bước 2: Làm thủ tục trả dấu hoặc làm xác nhận không sử dụng dấu (nếu có)
– Trong trường hợp văn phòng đại diện được thành lập trước ngày 01/07/2015 – ngày bắt đầu có hiệu lực của Luật doanh nghiệp 2014 thì cần nộp hồ sơ trả dấu/xác nhận không sử dụng dấu tại cơ quan công an. Hồ sơ gồm có :
- Văn bản xin trả dấu/xác nhận không sử dụng dấu.
- Quyết định giải thể văn phòng đại diện.
- Con dấu và giấy đăng ký mẫu con dấu bản chính ( trường hợp trả con dấu).
Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ giải thể văn phòng đại diện
Sau khi khóa mã số thuế và trả con dấu, thì doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ ngừng hoạt động văn phòng đại diện. Hồ sơ giải thể văn phòng đại diện gồm có:
- Thông báo chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện (Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT)
- Quyết định giải thể văn phòng đại diện.
- Biên bản họp Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông về việc giải thể văn phòng đại diện(nếu có).
- Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện
- Danh sách người lao động cũng như quyền lợi tương ứng của người lao động trong VPĐD.
- Danh sách các chủ nợ cũng như số nợ chưa thực hiện thanh toán (nếu có)
- Con dấu văn phòng đại diện (nếu có).
- Giấy chứng nhận đăng ký thuế và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bản sao (nếu có)
Sau khi hoàn tất hồ sơ, doanh nghiệp nộp hồ sơ trả giấy phép kinh doanh VPĐD lên Sở kế hoạch và đầu tư.
Trong vòng 5 ngày làm việc cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ kiểm tra hồ sơ. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ và doanh nghiệp đáp ứng đủ nghĩa vụ về thuế thì cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ chuyển tình trạng của VPĐD trong Cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp về trạng thái chấm dứt hoạt động.Sau đó, ra thông báo về việc chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện. Còn trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì doanh nghiệp sẽ nhận được văn bản nêu rõ lý do.
Kết luận
Trên đây là một số nội dung tư vấn của Luật Hồng Minh chúng tôi về vấn đề Thủ tục giải thể văn phòng đại diện. Nếu quý khách hàng còn có câu hỏi nào khác cần được tư vấn, hướng dẫn; xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số hotline: 0843.246.222.