Đình công được xem là quyền của người lao động và được quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019. Tuy nhiên, tại một số nơi làm việc nhất định, người lao động không được phép đình công. Trong bài viết dưới đây, Luật Hồng Minh xin tư vấn đến các quý khách hàng những nơi làm việc người lao động không được phép đình công.
1. Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Lao động năm 2019;
- Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
2. Đình công là gì?
Điều 198, Bộ luật lao động năm 2019 quy định về đình công như sau:
“Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.”
Vậy dựa vào quy định trên thì đình công là đấu tranh có tổ chức của tập thể lao động trong doanh nghiệp hay một bộ phận cơ cấu của doanh nghiệp bằng cách ngừng làm việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm yêu cầu người sử dụng lao động đáp ứng những quyền và lợi ích hợp pháp phát sinh trong quan hệ lao động.
3. Những nơi làm việc người lao động không được phép đình công
3.1. Những nơi sản xuất, truyền tải, điều độ hệ thống điện, gồm:
- 03 đơn vị thuộc Công ty mẹ – Tập đoàn Điện lực Việt Nam, gồm: Công ty Thủy điện Hòa Bình; Công ty Thủy điện Sơn La; Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia.
- Công ty Nhiệt điện Duyên Hải thuộc Tổng Công ty Phát điện 1.
- Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ thuộc Tổng Công ty Phát điện 3.
- Các Công ty truyền tải điện thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia.
3.2. Những thăm dò, khai thác, sản xuất, cung cấp dầu khí, gồm:
- Công ty Điều hành đường ống Tây Nam thuộc Công ty mẹ – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
- 02 đơn vị thuộc Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí, gồm: Công ty điều hành Thăm dò khai thác Dầu khí trong nước; Công ty liên doanh điều hành Vietgazprom.
- 08 đơn vị thuộc Tổng công ty Khí Việt Nam, gồm: Công ty Chế biến khí Vũng Tàu; Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ; Công ty kinh doanh sản phẩm khí; Công ty khí Cà Mau; Công ty đường ống khí Nam Côn Sơn; Công ty cổ phần LPG Việt Nam; Công ty cổ phần kinh doanh khí Miền Nam; Công ty cổ phần Phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam.
- Liên doanh Việt – Nga Vietsopetro.
3.3. Những nơi bảo đảm an toàn hàng không, an toàn hàng hải, gồm:
- Các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
- Các cảng hàng không thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, gồm: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Cần Thơ.
- Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc.
- Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hoa tiêu hàng hải TKV.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam.
3.4. Những nơi cung cấp hạ tầng thông tin và truyền thông, gồm:
- Tổng Công ty Hạ tầng mạng thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
- Tổng Công ty Mạng lưới Viettel thuộc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội.
3.5. Một số nơi làm việc khác
- Các doanh nghiệp cung cấp nước sạch, thoát nước, vệ sinh môi trường trực tiếp phục vụ cho các thành phố trực thuộc trung ương.
- Những nơi trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh: Gồm các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định tại Nghị định 93/2015/NĐ-CP ngày 15/10/2015 về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Hồng Minh chúng tôi về những nơi làm việc người lao động không được phép đình công. Nếu quý khách hàng còn có câu hỏi hay băn khoăn nào khác cần được tư vấn, hướng dẫn, giải đáp liên quan đến vấn đề này, quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua số hotline: 0843.246.222 hoặc tuvanhongminh@gmail.com để được các luật sư của chúng tôi tư vấn, hỗ trợ và giải đáp trực tiếp.