Dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư

THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỐI VỚI DỰ ÁN KHÔNG THUỘC DIỆN QUYẾT ĐỊNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ

CÂU HỎI

Luật sư cho hỏi, trong trường hợp dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư thì có cần thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không và phải thực hiện như thế nào?

Dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư

TRẢ LỜI

Để một dự án được thực hiện trên thực tế cần phải tiến hành các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan. Thủ tục này bao gồm hai quá trình: thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; và thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng phải thực hiện cả hai thủ tục nói trên; thậm chí, có những dự án không thuộc diện phải thực hiện cả hai thủ tục. Quyết định chủ trương đầu tư chỉ bắt buộc đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc Hội; Thủ tướng Chính Phủ; Chủ tịch UBND Cấp tỉnh theo quy định của pháp luật đầu tư. Việc có hay không phải xin quyết định chủ trương đầu tư không ảnh hưởng đến thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, lại có ảnh hưởng đến quy trình thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; nếu dự án phải thực hiện thủ tục này.

1. Cơ sở pháp lý

Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2015;

Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 12 năm 2015.

2. Các trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không bắt buộc đối với mọi dự án. Chỉ những dự án trong trường hợp sau đây mới phải thực hiện thủ tục này:

– Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

– Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế sau:

+ Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;

+ Có tổ chức kinh tế quy định như trên nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;

+ Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định như trên nắm giữ từ 51 % vốn điều lệ trở lên.

Tuy nhiên, các dự án không thuộc các trường hợp nói trên, vẫn có thể thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; nếu có nhu cầu. Điều này sẽ có lợi trong trường hợp các dự án thuộc diện được ưu đãi đầu tư. Do ưu đãi đầu tư được ghi trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; nên các nhà đầu tư được hưởng ưu đãi mà không cần phải làm thủ tục xác minh.

3. Quy trình thực hiện thủ tục:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Nhà đầu tư chuẩn bị và nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký đầu tư. Cơ quan đăng ký đầu tư có thể là Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành; hoặc Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

Bước 2: Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ

Cơ quan đăng ký đầu tư tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ, cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ cho Nhà đầu tư; nếu thành phần hồ sơ chưa đầy đủ thì chuyên viên tiếp nhận/hướng dẫn giải thích để nhà đầu tư bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Bước 3: Thẩm định và phê duyệt hồ sơ

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện sau:

  • Mục tiêu của dự án đầu tư không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh;
  • Dự án đầu tư đáp ứng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định (nếu có).

Bước 4: Nhận kết quả giải quyết

Nhà đầu tư căn cứ vào ngày hẹn trên Giấy tiếp nhận hồ sơ đến nhận kết quả giải quyết tại Cơ quan đăng ký đầu tư.

4. Thành phần hồ sơ bao gồm:

  • Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư (Theo mẫu);
  • Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
  • Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: Nhà đầu tư thực hiện dự án; mục tiêu đầu tư; quy mô đầu tư; vốn đầu tư và phương án huy động vốn; địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư; nhu cầu về lao động; đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động; hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án; Đối với dự án đầu tư đã triển khai hoạt động, nhà đầu tư nộp báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư từ thời điểm triển khai đến thời điểm đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thay cho đề xuất dự án đầu tư (Theo mẫu).
  • Bản sao một trong các tài liệu sau:

              Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư;

              Cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ;

              Cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính;

              Bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư;

              Tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;

  • Đề xuất nhu cầu sử dụng đất đối với dự án đề nghị nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; Trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất; cho thuê đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
  • Giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ (Điểm b Khoản 1 Điều 32 của Luật Đầu tư 2014) gồm các nội dung: Tên công nghệ; xuất xứ công nghệ; sơ đồ quy trình công nghệ; thông số kỹ thuật chính; tình trạng sử dụng của máy móc; thiết bị và dây chuyền công nghệ chính;
  • Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
Lưu ý:

Bản sao hợp lệ là bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; hoặc bản sao đã được đối chiếu với bản chính hoặc bản in từ cơ sở dữ liệu quốc gia đối với trường hợp thông tin gốc được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký doanh nghiệp và đầu tư.

Trong trường hợp Nhà đầu tư ủy quyền cho người khác đi nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính; thì người làm thủ tục nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư phải xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu; hoặc các giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp khác và các giấy tờ sau:

  • Hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa Nhà đầu tư và tổ chức làm dịch vụ nộp hồ sơ, nhận kết quả; và giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả; hoặc
  • Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả theo quy định của pháp luật.

Trên đây là tư vấn của công ty Luật Hồng Minh đối với yêu cầu của bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn công ty Luật Hồng Minh để giải đáp thắc mắc của mình. Trân trọng.

CÔNG TY TƯ VẤN LUẬT HỒNG MINH

Hotline: 0969 439 507

Email: tuvanhongminh@gmail.com

Trụ sở chính: Số 31 Ngõ 221 Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội

VPGD: Phòng 611, toà 27A1 Green star, 234 Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Tags: , , , , , , , ,

One Comement “Dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư”

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin tức khác

Design by Công ty Công nghệ và Truyền thông Ngọc Thắng
0843.246.222