Khi doanh nghiệp không tiến hành giải thể trong trường hợp bắt buộc phải tiến hành giải thể thì bị xử phạt như thế nào?
Trong quá trình hoạt động, vì một vài lý do mà doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động và phải giải thể doanh nghiệp. Trên thực tế có một số doanh nghiệp giải thể do có hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc số lượng thành viên không đủ… Trong những trường hợp này doanh nghiệp bắt buộc phải tiến hành giải thể. Nếu doanh nghiệp không tiến hành giải thể thì sẽ phải chịu chế tài của pháp luật.
1. Các trường hợp giải thể bắt buộc
Giải thể bắt buộc là trường hợp chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp theo ý chí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có sự vi phạm pháp luật của doanh nghiệp trong quá trình thành lập và hoạt động của doanh nghiệp
Các trường hợp giải thể bắt buộc:
- Doanh nghiệp kết thúc thời hạn hoạt động đã được ghi trong Điều lệ doanh nghiệp mà không có quyết định tiếp tục gia hạn.
- Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp
- Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2. Xử phạt khi không tiến hành giải thể đối với doanh nghiệp bắt buộc phải giải thể.
Theo quy định tại Điều 36 nghị định 50/2016/NĐ-CP thì doanh nghiệp sẽ bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đối với hành vi không tiến hành thủ tục giải thể trong trường hợp bắt buộc.
Và doanh nghiệp phải tiến hành biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi của mình là phải tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định của pháp luật doanh nghiệp.
Trình tự thủ tục giải thể doanh nghiệp bao gồm các bước sau:
Bước 1: Thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp
Nội dung quyết định giải thể:
- Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp
- Lý do giải thể;
- Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp; thời hạn thanh toán nợ, thanh lý hợp đồng không được vượt quá 06 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể;
- Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động;
- Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
- Họ, tên, chữ ký của Chủ sở hữu doanh nghiệp/Chủ tịch Hội đồng quản trị/Chủ tịch Hội đồng thành viên/…
Bước 2: Thanh lý tài sản
Chủ doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty, Hội đồng quản trị trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thành lập tổ chức thanh lý riêng.
Bước 3: Quyết định giải thể và biên bản họp
Trong thời hạn 07 ngày làm việc thì:
- Quyết định giải thể và biên bản họp phải được gửi đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp
- Đăng quyết định giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.
- Trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi kèm theo quyết định giải thể phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan. Thông báo phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ.
Bước 4: Thông báo tình trạng giải thể doanh nghiệp
Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp ngay sau khi nhận được quyết định giải thể của doanh nghiệp.
Bước 5: Gửi đề nghị giải thể
Sau khi đủ thời hạn Công bố tình trạng giải thể doanh nghiệp. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi thông báo giải thể cho Cơ quan đăng ký kinh doanh. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ giải thể, cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật về tình trạng pháp lý của doanh nghiệp ở trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
-> Mời bạn xem ngay dịch vụ giải thể công ty nhanh chóng số 1 Việt Nam, chi phí cực rẻ.