Thủ tục giải thể hợp tác xã tự nguyện theo quy định pháp luật hiện nay như thế nào? Cơ quan nào có thẩm quyền xử lý hợp tác xã giải thể tự nguyện? Hồ sơ giải thể tự nguyện bao gồm những gì? Trong bài viết dưới đây, Luật Hồng Minh sẽ cùng bạn tìm hiểu những vấn đề trên.
1. Căn cứ pháp lý
- Luật hợp tác xã 2012
-
Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 07/2017/TT-BKHĐT
2. Thủ tục giải thể tự nguyện
Bước 1:
- Đại hội thành viên, hợp tác xã thành viên quyết định việc giải thể tự nguyện; thành lập hội đồng giải thể tự nguyện và ra nghị quyết về việc giải thể tự nguyện.
- Hội đồng giải thể tự nguyện gồm:
– Đại diện hội đồng quản trị;
– Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên;
– Ban điều hành;
– Đại diện của thành viên, hợp tác xã thành viên.
Bước 2:
Trong thời hạn 60 ngày; kể từ ngày đại hội thành viên ra nghị quyết giải thể tự nguyện; hội đồng giải thể tự nguyện có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:
- Thông báo về việc giải thể tới cơ quan nhà nước đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; đăng báo địa phương nơi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong 03 số liên tiếp về việc giải thể;
- Thông báo tới các tổ chức, cá nhân có quan hệ kinh tế với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về thời hạn thanh toán nợ, thanh lý các hợp đồng, thực hiện việc xử lý tài sản và vốn của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định.
Bước 3:
Ngay sau khi hoàn thành việc giải thể theo quy định; hội đồng giải thể phải nộp 01 bộ hồ sơ về việc giải thể, con dấu và bản gốc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tới cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký.
Bước 4:
Sau khi nhận được hồ sơ giải thể của hợp tác xã theo quy định:
- Cơ quan đăng ký hợp tác xã gửi thông tin về việc hợp tác xã đăng ký giải thể cho cơ quan thuế.
- Trong thời hạn 02 ngày làm việc; kể từ ngày nhận được thông tin của cơ quan đăng ký hợp tác xã; cơ quan thuế gửi ý kiến về việc giải thể của hợp tác xã đến cơ quan đăng ký hợp tác xã.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc; kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể; cơ quan đăng ký hợp tác xã chuyển tình trạng pháp lý của hợp tác xã trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký hợp tác xã sang tình trạng giải thể nếu không nhận được ý kiến từ chối của cơ quan thuế đồng thời ra thông báo về việc giải thể của hợp tác xã và quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã.
- Khi nhận thông báo về việc giải thể của hợp tác xã và quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, hợp tác xã phải nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã cho cơ quan đăng ký hợp tác xã.
2. Hồ sơ giải thể tự nguyện
Hợp tác xã gửi thông báo theo mẫu quy định tại Phụ lục số I-13 đến cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho hợp tác xã nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính.
Kèm theo thông báo là 01 bộ hồ sơ gồm:
+ Nghị quyết của đại hội thành viên về việc giải thể hợp tác xã;
+ Biên bản hoàn thành việc giải thể hợp tác xã;
+ Giấy xác nhận của cơ quan công an về việc hủy con dấu của hợp tác xã;
+ Giấy biên nhận của cơ quan thông tin đại chúng về việc nhận đăng thông báo về việc giải thể hợp tác xã; hoặc bản in 03 số báo liên tiếp đã đăng thông báo về việc giải thể hợp tác xã.
Kết luận
Trên đây là một số nội dung tư vấn của Luật Hồng Minh chúng tôi về vấn đề Thủ tục giải thể hợp tác xã tự nguyện. Nếu quý khách hàng còn có câu hỏi nào khác cần được tư vấn, hướng dẫn; xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số hotline: 0843.246.222.