Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (sau đây gọi là thiết kế bố trí) là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn. Quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Do đó, việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí. Trong bài viết dưới đây, Luật Hồng Minh sẽ hướng dẫn thủ tục đăng ký thiết kế bố trí như sau:
1. Điều kiện bảo hộ đối với thiết kế bố trí
1.1. Điều kiện chung đối với thiết kế bố trí được bảo hộ
– Có tính nguyên gốc:
+ Thiết kế bố trí được coi là có tính nguyên gốc nếu đáp ứng các điều kiện sau:
a) Là kết quả lao động sáng tạo của chính tác giả;
b) Chưa được những người sáng tạo thiết kế bố trí và những nhà sản xuất mạch tích hợp bán dẫn biết đến một cách rộng rãi tại thời điểm tạo ra thiết kế bố trí đó.
+ Thiết kế bố trí là sự kết hợp các phần tử, các mối liên kết thông thường chỉ được coi là có tính nguyên gốc nếu toàn bộ sự kết hợp đó có tính nguyên gốc theo quy định.
– Có tính mới thương mại:
+ Thiết kế bố trí được coi là có tính mới thương mại nếu chưa được khai thác thương mại tại bất kỳ nơi nào trên thế giới trước ngày nộp đơn đăng ký.
+ Thiết kế bố trí không bị coi là mất tính mới thương mại nếu đơn đăng ký thiết kế bố trí được nộp trong thời hạn hai năm kể từ ngày thiết kế bố trí đó đã được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật SHTT hoặc người được người đó cho phép khai thác nhằm mục đích thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới.
+ Khai thác thiết kế bố trí nhằm mục đích thương mại theo quy định là hành vi phân phối công khai nhằm mục đích thương mại đối với mạch tích hợp bán dẫn được sản xuất theo thiết kế bố trí hoặc hàng hóa chứa mạch tích hợp bán dẫn đó.
1.2. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa thiết kế bố trí:
+ Nguyên lý, quy trình, hệ thống, phương pháp được thực hiện bởi mạch tích hợp bán dẫn;
+ Thông tin, phần mềm chứa trong mạch tích hợp bán dẫn.
2. Quyền đăng ký thiết kế bố trí
- Tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng ký thiết kế bố trí:
– Tác giả tạo ra thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình;
– Tổ chức; cá nhân đầu tư kinh phí; phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc; trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
- Trường hợp nhiều tổ chức; cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra thiết kế bố trí thì các tổ chức; cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức; cá nhân đó đồng ý.
- Người có quyền đăng ký thiết kế bố trí có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.
3. Đơn đăng ký thiết kế bố trí
- Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;
- Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ:
+ Bản vẽ, ảnh chụp thiết kế bố trí;
+ Thông tin về chức năng, cấu tạo của mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí;
+ Mẫu mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí; nếu thiết kế bố trí đã được khai thác thương mại.
- Giấy ủy quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;
- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
- Chứng từ nộp phí, lệ phí.
4. Thủ tục đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn
-
Bước 1: Tiếp nhận đơn đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn
Có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ.
-
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn
Đây là thủ tục nhằm kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn; từ đó đưa ra kết luận đơn có hợp lệ hay không.
– Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ gửi cho người nộp đơn quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đồng thời nêu rõ đối tượng nêu trong đơn có khả năng được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn;
– Trường hợp đơn không hợp lệ; Cục Sở hữu trí tuệ gửi cho người nộp đơn quyết định từ chối chấp nhận đơn.
Thời hạn thẩm định hình thức: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn;
-
Bước 3: Công bố đơn
Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ; đơn sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Thời hạn công bố đơn: 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ;
-
Bước 4: Thông báo dự định cấp Giấy chứng nhận đăng ký
Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp, nếu không có ý kiến của người thứ ba phản đối việc đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn hoặc có ý kiến phản đối nhưng kết quả xử lý chứng minh rằng ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thông báo dự định cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn mạch tích hợp bán dẫn đối với đối tượng nêu trong đơn và ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn nộp phí công bố, phí đăng bạ và lệ phí cấp văn bằng bảo hộ.
Thời hạn thông báo dự định cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn: 03 tháng kể từ ngày thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp;
-
Bước 5: Ra quyết định cấp/từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký
Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí: 03 tháng kể từ ngày công bố đơn.
5. Hiệu lực của văn bằng bảo hộ thiết kế bố trí
Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau đây:
- Kết thúc mười năm kể từ ngày nộp đơn;
- Kết thúc mười năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới;
- Kết thúc mười lăm năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí.
6. Quyền tạm thời đối với thiết kế bố trí
- Đối với thiết kế bố trí đã được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại trước ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nếu người có quyền đăng ký biết rằng thiết kế bố trí đó đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại thì người đó có quyền thông báo bằng văn bản về quyền đăng ký của mình đối với thiết kế bố trí đó cho người sử dụng để người đó chấm dứt việc sử dụng thiết kế bố trí hoặc tiếp tục sử dụng.
- Trong trường hợp đã được thông báo theo quy định mà người được thông báo vẫn tiếp tục sử dụng thiết kế bố trí thì khi Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được cấp chủ sở hữu thiết kế bố trí có quyền yêu cầu người đã sử dụng thiết kế bố trí phải trả một khoản tiền đền bù tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng thiết kế bố trí đó trong phạm vi và thời hạn sử dụng tương ứng.
Kết luận
Trên đây là một số nội dung tư vấn của Luật Hồng Minh chúng tôi về vấn đề Thủ tục đăng ký bảo hộ đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn. Nếu quý khách hàng còn có câu hỏi nào khác cần được tư vấn, hướng dẫn; xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số hotline: 0843.246.222.