Trình tự thủ tục đăng ký bảo hộ quyền liên quan
Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Quyền liên quan được bảo hộ tự động và do đó, việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền liên quan. Tuy nhiên, tổ chức cá nhân vẫn có thể thực hiện thủ tục này để được hưởng quyền miễn trừ nghĩa vụ chứng minh quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại. Thủ tục đăng ký bảo hộ quyền liên quan cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý
- Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009, 2013.
- Nghị định 22/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan
- Thông tư số 211/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng kí quyền tác giả, quyền liên quan đến tác giả.
2. Điều kiện được bảo hộ quyền liên quan
Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền liên quan
- Diễn viên, ca sỹ, nhạc công, vũ công và những người khác trình bày tác phẩm văn học, nghệ thuật.
- Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu cuộc biểu diễn.
- Tổ chức, cá nhân định hình lần đầu âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn; hoặc các âm thanh, hình ảnh khác (sau đây gọi là nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình).
- Tổ chức khởi xướng và thực hiện việc phát sóng (sau đây gọi là tổ chức phát sóng).
Đối tượng quyền liên quan được bảo hộ
– Cuộc biểu diễn được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Cuộc biểu diễn do công dân Việt Nam thực hiện tại Việt Nam hoặc nước ngoài;
- Cuộc biểu diễn do người nước ngoài thực hiện tại Việt Nam;
- Cuộc biểu diễn được định hình trên bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ;
- Cuộc biểu diễn chưa được định hình trên bản ghi âm, ghi hình mà đã phát sóng;
- Cuộc biểu diễn được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Bản ghi âm, ghi hình của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có quốc tịch Việt Nam;
- Bản ghi âm, ghi hình của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa của tổ chức phát sóng có quốc tịch Việt Nam;
- Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa của tổ chức phát sóng được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa chỉ được bảo hộ với điều kiện không gây phương hại đến quyền tác giả.
3. Hồ sơ cần chuẩn bị
Hồ sơ đăng ký quyền liên quan bao gồm:
- Tờ khai đăng ký quyền liên quan.
Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp đơn, chủ sở hữu quyền liên quan; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.
- Hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;
- Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;
- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền liên quan thuộc sở hữu chung.
4. Trình tự thực hiện thủ tục
Chủ sở hữu quyền liên quan trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký quyền liên quan tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng). Hồ sơ có thể gửi qua đường bưu điện.
Tổ chức, cá nhân nước ngoài có chương trình biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được bảo hộ quyền liên quan trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền liên quan nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký quyền liên quan tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan cho người nộp đơn. Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.
Phí đăng ký bảo hộ
Phí đăng ký bảo hộ quyền liên quan phụ thuộc vào đối tượng đăng ký bảo hộ; cụ thể như sau:
Bản ghi âm và cuộc biểu diễn được định hình trên bản ghi âm: 200.000 đồng
Bản ghi hình và cuộc biểu diễn được định hình trên bản ghi hình: 300.000 đồng
Chương trình phát sóng và cuộc biểu diễn được định hình trên chương trình phát sóng: 500.000 đồng
Trên đây là nội dung tư vấn về thủ tục đăng ký bảo hộ quyền liên quan. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn vui lòng liên hệ Hotline 0843 246 222. Luật Hồng Minh luôn cam kết dịch vụ tốt nhất đến khách hàng.
Trân trọng!
CÔNG TY TƯ VẤN LUẬT HỒNG MINH
Hotline: 0843 246 222
Email: tuvanhongminh@gmail.com
Trụ sở chính: Số 31 Ngõ 221 Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội
VPGD: Phòng 611, toà 27A1 Green star, 234 Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.