Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp

QUYỀN THÀNH LẬP, GÓP VỐN, MUA CỔ PHẦN, MUA PHẦN VỐN GÓP VÀ QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP

quyen-thanh-lap-gop-von-mua-co-phan-mua-phan-von-gop-va-quan-ly-doanh-nghiep

Doanh nghiệp là nhân tố trung tâm trong nền kinh tế, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của nền kinh tế nói riêng và xã hội nói chung. Do đó, Nhà nước luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thương nhân trong việc sản xuất kinh doanh cũng như khuyến khích thành lập thêm nhiều doanh nghiệp mới, trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa, quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp hay góp vốn, mua phần vốn góp vào các doanh nghiệp này là quyền của tất cả mọi người. Pháp luật đặt ra những hạn chế cho những đối tượng nhất định trong việc thực hiện những quyền trên. Lý do của sự hạn chế này xuất phát từ tính chất đặc biệt trong yếu tố nhân thân; nghề nghiệp của những đối tượng này mà pháp luật cho rằng; việc thành lập, góp vốn, mua cổ phần, phần góp vốn hay quản lý một doanh nghiệp sẽ dẫn đến tình trạng không đảm bảo quyền lợi cho chính họ; cho những cá nhân, tổ chức khác hoặc cho an ninh, quốc phòng, chính trị, xã hội.

1. Cơ sở pháp lý

  • Luật doanh nghiệp 2014
  • Luật cán bộ công chức 2008
  • Luật Viên chức 2010
  • Luật phòng chống tham nhũng 2005, sửa đổi bổ sung năm 2007, 2012
  • Luật thực hành tiết kiệm hiện hành 2013

2. Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp

Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp được quy định tại Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Chia thành hai nhóm quyền: quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp; và quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Về quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp

Nhìn chung, tổ chức, cá nhân sẽ có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp nếu không thuộc các trường hợp được liệt kê tại Khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014, bao gồm

  • Nhóm 1: Đối tượng làm việc tại cơ quan nhà nước

– Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

– Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, cụ thể là không được thành lập, quản lý, điều hành DNTN, Công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. (Khoản 1 Điều 37 Luật phòng, chống tham nhũng 2005)

– Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;

– Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước; trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

  • Nhóm 2: Đối tượng có năng lực hành vi dân sự bị hạn chế

– Người chưa thành niên.

– Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự;

– Tổ chức không có tư cách pháp nhân;

  • Nhóm 3: Đối tượng đang gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi do hành vi vi phạm pháp luật của mình gây ra

– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.

Về quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp

Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần; công ty trách nhiệm hữu hạn; công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:

  • Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn; vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
  • Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. Bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan; vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước (Khoản 2 Điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng 2005); Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân (Điểm a Khoản 6 Điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng 2005); Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn – kỹ thuật trong cơ quan; đơn vị thuộc Công an nhân dân (Điểm b Khoản 6 Điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng 2005).

Lưu ý:

Thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình là việc sử dụng thu nhập dưới mọi hình thức có được từ hoạt động kinh doanh từ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào một trong các mục đích sau đây: Chia dưới mọi hình thức cho một số hoặc tất cả những người có liên quan; Bổ sung vào ngân sách hoạt động của cơ quan, đơn vị trái với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; Lập quỹ hoặc bổ sung vào quỹ phục vụ lợi ích riêng của cơ quan, đơn vị.

CÔNG TY TƯ VẤN LUẬT HỒNG MINH

Hotline: 0969 439 507

Email: tuvanhongminh@gmail.com

Trụ sở chính: Số 31 Ngõ 221 Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội

VPGD: Phòng 611, toà 27A1 Green star, 234 Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Tags: , , , ,

One Comement “Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp”

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin tức khác

Design by Công ty Công nghệ và Truyền thông Ngọc Thắng
0843.246.222