Thuế thu nhập cá nhân là một lọai thuế phức tạp. Việc quản lý thuế, thu thuế đòi hỏi trình độ, kỹ thuật cao, chi phí quản lý thuế lớn. Cơ quan quản lý thuế phải nắm được các nguồn thu nhập của người chịu thuế, tình trạng cư trú của họ ở Việt Nam. Từ đó đưa ra cách tính thuế thu nhập cá nhân chính xác, hợp lý nhất.
I. KHÁI NIỆM THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu đánh vào thu nhập thực nhận của các cá nhân trong một năm, từng tháng hoặc từng lần. Thuế này thu vào một số khoản thu nhập cao chính đáng của cá nhân nhằm thực hiện việc điều tiết thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, góp phần thực hiện công bằng xã hội và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
II. PHƯƠNG PHÁP TÍNH THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
- Tính theo biểu lũy tiến từng phần: Dành cho lao động ký HĐLĐ từ 3 tháng trở lên.
- Khấu trừ 10%: Dành cho cá nhân không ký hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên.
- Khấu trừ 20%: Dành cho cá nhân không cư trú (Thường là người nước ngoài) được xác định bằng thu nhập chịu thuế từ tiền lương; tiền công nhân (×) với thuế suất 20%.
II. CÁCH TÍNH THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN ĐỐI VỚI HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG TRÊN 3 THÁNG
Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế TNCN x Thuế suất (%)
Trong đó:
Thu nhập tinh thuế TNCN = Tổng thu nhập – (Các khoản bảo hiểm + Các khoản giảm trừ + Các khoản được miễn thuế)
1. Tổng thu nhập là các khoản được chi trả bao gồm: tiền lương, tiền công, thù lao, phụ cấp, trợ cấp…
2. Các khoản bảo hiểm bắt buộc theo tỷ lệ: BHXH (8%), BHYT (1,5%), BHTN (1%).
3. Các khoản giảm trừ:
- Đối với người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng, 108 triệu đồng/năm.
- Đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng nhưng phải đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh.
- Các khoản bảo hiểm bắt buộc: Theo tỷ lệ năm 2015 như sau: BHXH (8%), BHYT(1,5%), BHTN (1%) và bảo hiểm nghề nghiệp trong một số lĩnh vực đặc biêt.
- Các khoản đóng góp từ thiện , nhân đạo, khuyến học.
4. Các khoản được miễn thuế bao gồm:
- Tiền ăn giữa ca không vượt quá 730.000 đ/tháng.
Ví dụ: Nếu bạn được phụ cấp tiền ăn là 800.000 đ/tháng thì được miễn 730.000đ, còn 800.000 – 730.000 = 70.000 sẽ tính vào thu nhập chịu thuế TNCN
- Chi phí phụ cấp trang phục không hơn 5.000.000 đ/năm (Miễn toàn bộ nếu chi bằng hiện vật)
Ví dụ: Nếu bạn nhận tiền phụ cấp trang phục là 4.500.000đ/năm/người thì sẽ được miễn toàn bộ. Nếu bạn nhận được 5.500.000đ/năm/người thì được miễn 5.000.000, còn 500.000đ sẽ tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
- Phụ cấp điện thoại, tiền xăng, tiền công tác phí (theo Quy chế tài chính/Quy chế nội bộ của Công ty).
- Thu nhập làm thêm vào ngày nghỉ, lễ, ban đêm được trả cao hơn tiền công so với ngày thường
Ví dụ: Bạn ngày làm được 50.000đ/giờ nhưng làm thêm ban đêm được 70.000đ/giờ thì 70.000 – 50.000 = 20.000đ sẽ được miễn thuế
- Phụ cấp thuê nhà không quá 15% tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà)…
III. THUẾ SUẤT
Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công được áp dụng theo: Biểu thuế luỹ tiến từng phần
Bậc | Thu nhập tính thuế /tháng | Thuế suất | Tính số thuế phải nộp | |
Cách 1 | Cách 2 | |||
1 | Đến 5 triệu đồng (trđ) | 5% | 0 trđ + 5% TNTT | 5% TNTT |
2 | Trên 5 trđ đến 10 trđ | 10% | 0,25 trđ + 10% TNTT trên 5 trđ | 10% TNTT – 0,25 trđ |
3 | Trên 10 trđ đến 18 trđ | 15% | 0,75 trđ + 15% TNTT trên 10 trđ | 15% TNTT – 0,75 trđ |
4 | Trên 18 trđ đến 32 trđ | 20% | 1,95 trđ + 20% TNTT trên 18 trđ | 20% TNTT – 1,65 trđ |
5 | Trên 32 trđ đến 52 trđ | 25% | 4,75 trđ + 25% TNTT trên 32 trđ | 25% TNTT – 3,25 trđ |
6 | Trên 52 trđ đến 80 trđ | 30% | 9,75 trđ + 30% TNTT trên 52 trđ | 30 % TNTT – 5,85 trđ |
7 | Trên 80 trđ | 35% | 18,15 trđ + 35% TNTT trên 80 trđ | 35% TNTT – 9,85 trđ |
CÔNG TY TƯ VẤN LUẬT HỒNG MINH
Hotline: 0969 439 507
Email: tuvanhongminh@gmail.com
Trụ sở chính: Số 31 Ngõ 221 Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội
VPGD: Phòng 611, toà 27A1 Green star, 234 Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.