Tăng vốn điều lệ theo hình thức chào bán cổ phần cho công ty hiện hữu

Câu hỏi: Luật Hồng Minh vui lòng cho tôi biết khái niệm cũng như trình tự, thủ tục cơ bản của việc tăng vốn điều lệ theo hình thức chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu.

Hồng Minh xin cảm ơn quý khách hàng đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Về vấn đề mà quý khách hàng yêu cầu tư vấn chúng tôi xin trả lời như sau:

Căn cứ pháp lý:

– Luật Doanh nghiệp năm 2014

Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.

– Thông tư số 20/2015/TT-BKĐT ngày 01/12/2015 của Bộ kế hoạch Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.

1. Về khái niệm chào bán cổ phần cho cổ đông hiện có

Luật Doanh nghiệp quy định: “Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu là trường hợp công ty tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán toàn bộ số cổ phần đó cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ cổ phần hiện có của họ tại công ty”.

Như vậy, chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu được xác định là việc: (1)Công ty chào bán cổ phần cho tất cả cổ đông hiện hữu và (2) chào bán theo tỷ lệ cổ phần hiện có của cổ đông hiện hữu tại công ty.

Tăng vốn điều lệ công ty từ cổ phần

2. Trình tự, thủ tục chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu

Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu là việc công ty tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán toàn bộ số cổ phần đó cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ cổ phần hiện có của họ tại công ty trong quá trình hoạt động để tăng vốn điều lệ. Trình tự, thủ tục thực hiện chào bán cổ phần riêng lẻ tuân theo các quy định của pháp luật doanh nghiệp. Theo đó để thực hiện chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, Công ty phải gửi thông báo về việc bán cổ phần cho các cổ đông của công ty trong thời gian chậm nhất là 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn đăng ký mua cổ phần.

Thông báo chào bán cổ phần phải có các nội dung về:

– Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhâ dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của cổ đông là cá nhân hoặc tên, mã số doanh nghiệp hoặc số quyết định thành lập, địa chỉ trụ sở chính của cổ đông là tổ chức.

– Số cổ phần và tỷ lệ cổ phần hiện có của cổ đông tại công ty.

– Tổng số cổ phần dự kiến chào bán và số cổ phần cổ đông được quyền mua.

– Giá chào bán cổ phần; thời hạn đăng ký mua.

– Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.

Lưu ý: Doanh nghiệp phải chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty. Trường hợp số lượng cổ phần dự kiến chào bán không được cổ đông đăng ký mua hết thì Hội đồng quản trị có quyền bán số cổ phần số cổ phần được quyền chào bán còn lại đó cho cổ đông của công ty hoặc người khác theo cách thức hợp lý với điều kiện tương ứng những điều kiện đã chào bán cho cổ đông.

3. Thủ tục tăng vố điều lệ

Hồ sơ tăng vốn điều lệ

Đối chiếu với quy định tại điều 44 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP, hồ sơ tăng vốn điều lệ bằng hình thức chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu sẽ bao gồm các tài liệu, hồ sơ sau:

– Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (Thực hiện theo theo mẫu ban hành kèm theo thông tư 20/2015/TT-BKHĐT).

– Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông về việc tăng vốn điều lệ.

– Quyết định của Đại hội đồng cổ đông về việc tăng vốn điều lệ.

Lưu ý:

– Công ty phải tiến hành thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Trường hợp, quá thời hạn phải thực hiện thủ tục tăng vốn điều lệ, công ty có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 25 Nghị định 50/2016/NĐ-CP. Mức phạt vi phạm được quy định cụ thể như sau:

+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đăng ký thay đổi vốn điều lệ quá thời hạn quy định từ 01 đến 30 ngày.

+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đăng ký thay đổi vốn điều lệ quá thời hạn quy định từ 31 đến 90 ngày.

+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi đăng ký thay đổi vốn điều lệ quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên.

– Trường hợp nếu công ty bán cổ phần với giá trị cao hơn mệnh giá cổ phần được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, phần chênh lệch giữa mệnh giá cổ phần và giá trị cổ phần đã bán được gọi là thặng dư vốn cổ phần. Phần thặng dư vốn cổ phần không bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp và không được ghi nhận là vốn điều lệ của công ty.

Cơ quan giải quyết: Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Thời gian thực hiện: Từ 03 – 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ.

Kết quả: Sau khi hoàn thành thủ tục tăng vốn điều lệ Quý khách hàng sẽ nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ghi nhận vốn điều lệ mới của công ty.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà quý khách hàng yêu cầu. Nếu quý khách hàng còn băn khoăn hay có câu hỏi nào khác, quý khách vui lòng liên hệ đến số hotline: 0843.246.222 để được luật sư của chúng tôi tư vấn trực tiếp. Chúc quý khách thành công!

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin tức khác

Design by Công ty Công nghệ và Truyền thông Ngọc Thắng
0843.246.222