Cách lập bản mô tả sáng chế

Hướng dẫn viết bản mô tả sáng chế

Bản mô tả sáng chế là tài liệu cần có trong hồ sơ đăng ký bảo hộ đối với sáng chế và giải pháp hữu ích. Đây là cơ sở để cơ quan nhà nước xem xét việc đáp ứng các điều kiện bảo hộ của sáng chế, giải pháp hữu ích. Đồng thời cũng là tiền đề để cơ quan nhà nước tiến hành bảo vệ quyền về sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu dựa theo những thông tin được cung cấp trong phần yêu cầu bảo hộ.

Cách lập bản mô tả sáng chế

Theo đó, một bản mô tả sáng chế gồm các phần sau: Tên sáng chế/giải pháp hữu ích; Lĩnh vực kỹ thuật được đề cập; Tình trạng kỹ thuật của sáng chế/giải pháp hữu ích; Mô tả bản chất kỹ thuật của sáng chế/giải pháp hữu ích; Mô tả vắn tắt các hình vẽ kèm theo (nếu có); Ví dụ thực hiện sáng chế, giải pháp hữu ích (nếu cần); Yêu cầu bảo hộ; Bản tóm tắt sáng chế. Cụ thể, nội dung mỗi phần cần được triển khai như sau:

1. Tên sáng chế/giải pháp hữu ích:

Tên sáng chế/giải pháp hữu ích phải ngắn gọn, rõ ràng, thể hiện vắn tắt dạng đối tượng, chức năng hoặc lĩnh vực kỹ thuật và bản chất của đối tượng đó và phải phù hợp với bản chất của sáng chế/giải pháp hữu ích như được thể hiện chi tiết ở phần “Mô tả bản chất kỹ thuật của sáng chế/giải pháp hữu ích” của Bản mô tả. Nếu sáng chế liên quan đến sản phẩm hoặc quy trình mà đã có tên đang được sử dụng phổ biến thì nên lấy ngay tên đó mà không cần phải đặt tên mới. Nếu sáng chế liên quan đến sản phẩm hoặc quy trình mới lần đầu tiên được tạo ra thì nên đặt tên theo chức năng, ví dụ: Dụng cụ cắt. Tên sáng chế phụ thuộc phải trùng với tên sáng chế cơ bản.

2. Lĩnh vực kỹ thuật được đề cập

Phải chỉ ra lĩnh vực kỹ thuật mà sáng chế/giải pháp hữu ích được sử dụng hoặc liên quan tới. Lĩnh vực này phải phù hợp với lĩnh vực theo phân loại sáng chế quốc tế.

Nói chung, để làm việc này nên nêu tên sáng chế và dấu hiệu xác định lĩnh vực sử dụng nó để bổ sung, giải thích tên sáng chế. Ví dụ: “Sáng chế máy được sử dụng để xếp các hộp đựng đồ hộp sau khi đã được đổ đầy vào hòm dùng cho ngành công nghiệp thực phẩm và có thể được sử dụng cho các nhà máy đóng gói đồ hộp”.

Nếu tên sáng chế xác định cả bản chất kỹ thuật lẫn lĩnh vực sử dụng nó, như cần trục tháp xây dựng, thì nên thể hiện phần này như sau: “Sáng chế đề cập đến các loại cần trục tháp xây dựng”.

Nếu sáng chế là sáng chế bổ sung cho một sáng chế đã được cấp Patent hay đơn đăng ký nào đó thì phần này nên được thể hiện như sau: “Trong Patent cơ bản (nêu số Patent) hoặc đơn (nêu số đơn) có mô tả cột thủy lực có lực cản cố định, dấu hiệu “van một chiều đặt trong pittông đường kính lớn” là dấu hiệu cơ bản”.

3. Tình trạng kỹ thuật của sáng chế/giải pháp hữu ích

Phải nêu các thông tin về các giải pháp kỹ thuật đã biết tính đến ngày ưu tiên của Đơn tương tự (có cùng mục đích hoặc cùng giải quyết một vấn đề kỹ thuật) với sáng chế / giải pháp hữu ích nêu trong Đơn. Trên cơ sở các giải pháp đã biết đó, cần chỉ ra giải pháp có bản chất kỹ thuật gần giống nhất với sáng chế/giải pháp hữu ích nêu trong Đơn,mô tả tóm tắt bản chất giải pháp này và nêu các hạn chế, thiếu sót của giải pháp đó trong việc giải quyết vấn đề kỹ thuật hoặc đạt được mục đích mà sáng chế/giải pháp hữu ích nêu trong Đơn đề cập tới. Nguồn của các thông tin nói trên phải được chỉ dẫn rõ ràng. Nếu không có thông tin về tình trạng kỹ thuật thì phải ghi rõ điều đó.

4. Mô tả bản chất kỹ thuật của sáng chế/giải pháp hữu ích

Phần mô tả được mở đầu bằng đoạn trình bày mục đích mà sáng chế/giải pháp hữu ích cần đạt được hoặc vấn đề kỹ thuật mà sáng chế/giải pháp hữu ích cần phải giải quyết nhằm khắc phục các hạn chế, thiếu sót của giải pháp gần giống nhất đã biết nêu ở phần “Tình trạng kỹ thuật của sáng chế/giải pháp hữu ích”.
Tiếp theo là mô tả các dấu hiệu cấu thành sáng chế/giải pháp hữu ích. Đặc biệt phải trình bày các dấu hiệu mới của sáng chế/giải pháp hữu ích so với giải pháp kỹ thuật gần giống nhất nêu ở phần “Tình trạng kỹ thuật của sáng chế/giải pháp hữu ích”. Các loại dấu hiệu có thể được sử dụng; để mô tả phụ thuộc vào dạng sáng chế/giải pháp hữu ích:

Các dấu hiệu để mô tả sáng chế/giải pháp hữu ích dạng cơ cấu có thể là:

  • chi tiết, cụm chi tiết và chức năng của chúng;
  • hình dạng của chi tiết, cụm chi tiết;
  • vật liệu làm chi tiết, cụm chi tiết;
  • kích thước của chi tiết, cụm chi tiết;
  • tương quan vị trí giữa các chi tiết, cụm chi tiết;
  • cách liên kết các chi tiết, cụm chi tiết.

Các dấu hiệu để mô tả sáng chế/giải pháp hữu ích dạng chất có thể là:

  • các hợp phần tạo nên chất;
  • tỷ lệ các hợp phần;
  • công thức cấu trúc phân tử;
  • đặc tính hoá lý, v.v..

Các dấu hiệu để mô tả sáng chế/giải pháp hữu ích dạng phương pháp có thể là:

  • các công đoạn;
  • trình tự thực hiện các công đoạn;
  • các điều kiện kỹ thuật (nhiệt độ, áp suất, thời gian, chất xúc tác,v.v.) để thực hiện các công đoạn
  • phương tiện / thiết bị để thực hiện các công đoạn…

5. Mô tả vắn tắt các hình vẽ

Nếu trong Bản mô tả có hình vẽ nhằm làm rõ bản chất sáng chế/giải pháp hữu ích thì phải có danh mục các hình vẽ và giải thích vắn tắt từng hình vẽ.

6. Mô tả chi tiết sáng chế/giải pháp hữu ích 

Trong phần này phải mô tả sáng chế bằng các dấu hiệu đặc trưng của nó sao cho người có hiểu biết trung bình trong ngành có thể thực hiện được sáng chế và phải tương ứng với yêu cầu bảo hộ.Tuỳ thuộc vào dạng sáng chế/giải pháp hữu ích:

  • Đối với cơ cấu: trước hết phải mô tả theo kết cấu (cơ cấu ở trạng thái tĩnh) có dựa vào các số chỉ dẫn có trên các hình vẽ,tức là phải trình bày tỷ mỷ các đặc điểm kết cấu. Sau đó, phải mô tả sự hoạt động của cơ cấu đó,tức là trình tự làm việc của nó,hoặc sự tương tác của các chi tiết, cụm chi tiết cấu thành nó.
  • Đối với phương pháp: Trước hết phải mô tả trình tự thực hiện các công đoạn (nguyên công/bước); điều kiện cụ thể để thực hiện công đoạn (nếu có).
  • Đối với chất: Tuỳ thuộc vào loại chất,phải mô tả các dấu hiệu đặc trưng của nó như công thức hoá học,các thành phần,v.v…Và mô tả tỷ mỷ từng đặc điểm của chúng sao cho có thể hiểu rõ và nhận biết được chúng.
  • Đối với vật liệu sinh học: Nếu vật liệu sinh học không thể mô tả được thì cần chỉ ra các dữ liệu về việc lưu giữ và nguồn gốc của nó,dữ liệu về thành phần định tính và định lượng của môi trường tạo ra nó,hoặc danh mục trình tự,v.v…
  • Đối với dạng sử dụng: Mô tả chi tiết cách sử dụng đối tượng đó sao cho bất kỳ người nào quan tâm đều có thể sử dụng được với kết quả như người nộp đơn dự định.

7. Ví dụ thực hiện sáng chế/giải pháp hữu ích

Trong phần này cần chỉ ra một hoặc một vài ví dụ thực hiện sáng chế/giải pháp hữu ích; để chứng minh khả năng áp dụng của sáng chế/giải pháp hữu ích. Về nguyên tắc, một ví dụ là đủ để bản mô tả đáp ứng yêu cầu bộc lộ đầy
đủ, nhưng nếu nội dung sáng chế rộng thì càng nhiều ví dụ càng tốt để tăng tính thuyết phục cho xét nghiệm viên và những người có liên quan cũng như để tránh không cho đối thủ cạnh tranh “đi vòng” sáng chế.

Nếu yêu cầu bảo hộ có các dấu hiệu là thông số thì trong phần này phải chỉ ra bằng phương pháp nào các thông số đó được đo, trừ trường hợp người trong ngành đã biết cách đo các thông số đó hoặc tất cả các phương
pháp đo đều cho kết quả như nhau.

9. Yêu cầu bảo hộ:

Bản yêu cầu bảo hộ nhằm xác định phạm vi, khối lượng bảo hộ của sáng chế/giải pháp hữu ích cần phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng và phải phù hợp với những mô tả thể hiện trong bản mô tả chi tiết. Yêu cầu bảo hộ nên (nhưng không bắt buộc); được thể hiện thành hai phần: “Phần giới hạn” và “Phần khác biệt”, trong đó:

“Phần giới hạn” bao gồm tên đối tượng và những dấu hiệu của đối tượng đó trùng với các dấu hiệu của đối tượng đã biết gần nhất và được nối với “Phần khác biệt” bởi cụm từ “khác biệt ở chỗ” hoặc “đặc trưng ở chỗ” hoặc các từ tương đương;

“Phần khác biệt” bao gồm các dấu hiệu khác biệt của đối tượng so với đối tượng đã biết gần nhất và các dấu hiệu này kết hợp với các dấu hiệu của “Phần giới hạn” cấu thành đối tượng yêu cầu bảo hộ.

10. Bản tóm tắt sáng chế

Bản tóm tắt là phần trình bày ngắn gọn (không quá 150 từ) về bản chất của sáng chế/giải pháp hữu ích đã được bộc lộ trong Bản mô tả, Yêu cầu bảo hộ và Hình vẽ nhằm cung cấp các thông tin tóm tắt về sáng chế/giải pháp hữu ích. Bản tóm tắt có thể được minh hoạ bằng hình vẽ đặc trưng.

Trên đây là nội dung tư vấn về cách viết bản mô tả sáng chế. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn vui lòng liên hệ Hotline 0843 246 222. Luật Hồng Minh luôn cam kết dịch vụ tốt nhất đến khách hàng.

Trân trọng!

CÔNG TY TƯ VẤN LUẬT HỒNG MINH

Hotline: 0843 246 222

Email: tuvanhongminh@gmail.com

Trụ sở chính: Số 31 Ngõ 221 Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội

VPGD: Phòng 611, toà 27A1 Green star, 234 Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Tags: , , , , , ,

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin tức khác

Design by Công ty Công nghệ và Truyền thông Ngọc Thắng
0843.246.222